Tháp Bà Ponagar là di tích lịch sử - văn hóa, là công trình tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc dân tộc Chăm. Tháp nằm trên một ngọn đồi nhỏ, còn gọi là núi Tháp Bà nơi cửa sông Cái, bên quốc lộ 1A, thuộc phường Vĩnh Phước, phía bắc thành phố Nha Trang.
Tháp Bà do vua Chămpa là Harivácman xây dựng vào những năm 813 - 817. Trải qua mưa nắng của thời gian, tháp bị hư hại nhiều. Thời Pháp thuộc, trường Viễn Đông Bác Cổ đã tổ chức dùng gạch xây lại nhiều phần và đắp một số tượng lên thân tháp. Mặt bằng thứ nhất của tháp được lát gạch, có 14 trụ và các bậc liên tiếp. Mặt bằng thứ hai là một cụm gồm bốn tháp bố trí theo hình thước thợ.
Cả bốn tháp đều được xây dựng theo kiểu tháp của người Chăm: gạch xây rất khít mạch, không nhìn thấy chất kết dính. Lòng tháp rỗng tới đỉnh, cửa tháp quay về hướng Đông. Mặt ngoài thân tháp có nhiều gờ, trụ và đấu. Trên đỉnh các trụ thường đặt gạch trang trí hoa văn hình vòm tháp, trông như chiếp tháp nhỏ đặt trên một tháp lớn.
Trên thân tháp còn có nhiều tượng và phù điêu bằng đất nung, trong đó có hình thần Ponagar, thần Tenexa, các tiên nữ, các loài thú như nai, ngỗng vàng, sư tử...
Tháp chính thờ thần Ponagar, tượng trưng cho sắc đẹp, nghệ thuật và sự sáng tạo. Tháp Bà được xây bốn tầng, mỗi tầng đều có cửa, tượng thần và hình thú bằng đá. Bên trong tháp là tượng nữ thần cao 2,6m tạc bằng đá hoa cương màu đen ngồi trên bệ đá uy nghiêm hình đài sen, lưng tựa vào phiến đá lớn hình lá đề. Đó là kiệt tác về điêu khắc Chămpa, là sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật tượng tròn và chạm nổi. Các tháp khác thơ thần Siva, thần Sanhaka và thần Ganeca.
Hàng năm, người dân đến lễ bái ở Tháp Bà rất đông. Đứng trên đồi tháp nhìn ra xung quanh, phong cảnh thật nên thơ. Dưới chân đồi có dòng sông Cái tấp nập tàu thuyền qua lại. Cạnh đó là xóm Cồn, xóm Bóng thơ mộng đã đi vào thơ ca nhiều thế hệ.